Zero Covid ảnh hưởng đến vận chuyển

Là quốc gia cuối cùng vẫn quyết tâm thực hiện chính sách “zero Covid”, Trung Quốc ngày càng thắt chặt việc di chuyển của người dân, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa tại biên giới. Điều này tác động không nhỏ đến vận chuyển hàng hóa Trung – Việt và ngược lại.

Sự khắc nghiệt của chính sách “Zero Covid”

Chính phủ Trung Quốc lập hàng rào chắn tại các chung cư để xét nghiệm Covid 19

Ngay từ cuối năm 2019, khi phát hiện ra ca nhiễm Covid đầu tiên, Trung Quốc đã áp dụng chính sách “Zero Covid” (không Covid) với các hạn chế biên giới chặt chẽ và biện pháp cách ly. Khi phát hiện các ca nhiễm mới nhất, dù chỉ là một con số nhỏ, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành phong tỏa các địa phương, hạn chế việc đi lại và xét nghiệm trên diện rộng.

Nước này không mở cửa biên giới với khách du lịch nước ngoài khi đại dịch bùng phát và giúp Trung Quốc kiểm soát được dịch cùng số người tử vong trong suốt 2 năm liền. Thêm vào đó, các quan chức địa phương bị coi là không thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh sẽ bị sa thải hoặc trừng phạt nghiêm khắc.

Đầu năm 2022, dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại tại Trung Quốc, số ca nhiễm ngày càng tăng và chính sách Zero Covid lại được áp dụng chặt chẽ tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Ngày 11/3/2022, chính quyền thành phố Trường Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc yêu cầu toàn bộ người dân làm việc tại nhà, mỗi gia đình chỉ được cử 1 người ra ngoài 2 ngày/lần để mua hàng hóa thiết yếu đồng thời triển khai xét nghiệm trên diện rộng. Ngày 14/3/2022, hơn 3.500 ca nhiễm mới đã được báo cáo, Trung Quốc ngày càng thắt chặt các biện pháp chống dịch.

Tính cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Biến chủng Omicron ngày sẽ có thể làm lung lay chính sách giữ vững mục tiêu Zero Covid. Đã có đến 28/32 tỉnh thành phố của Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm. Để ngăn chặn tình hình dịch lây lan nghiêm trọng, việc thông quan giữa các nước, đặc biệt là Việt Nam bị tạm ngừng khiến cho hàng hóa bị ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu.

Tác động nghiêm trọng của Zero Covid đến việc vận chuyển hàng hóa Trung – Việt tính đến tháng 3/2022

Cuối tháng 12/2021, do diễn biến phức tạp của Covid 19 nên thành phố Đông Hưng quyết định tạm dừng mọi hoạt động thông quan. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại.

Với chính sách Zero Covid, Trung Quốc đưa ra yêu cầu xét nghiệm, phong tỏa hàng loạt, đồng thời kiểm soát, thậm chí đóng cửa biên giới, kể cả trên bộ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nước này cũng áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu hàng hóa đi, giảm năng lực thông quan tại biên giới, ra liên tiếp các thông báo dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, đông lạnh từ Việt Nam. Tất cả các lái xe và nhân viên hải quan đều phải chờ kết quả xét nghiệm Covid 19 tại cửa khẩu

Với những chính sách cực kỳ nghiêm mà phía Trung Quốc đưa ra, Việt Nam cũng đưa ra khiếu nại của mình. Vào ngày 10/1/2022, phía Trung Quốc đã quyết định mở lại một số cửa khẩu biên giới trên bộ giữa Quảng Tây và Việt Nam cho hàng nông sản và đông lạnh từ Việt Nam nhập vào Trung Quốc.

Hàng ngàn xe container ùn ứ tại cửa khẩu Trung Quốc siết chặt thông quan

Tuy nhiên, ngày 24/2/2022, do phát sinh một số ca nhiễm tại thành phố cảng Phòng Thành, Trung Quốc yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm soát dịch và phòng chống dịch bệnh. Toàn bộ hàng hóa đều không được di chuyển qua đây mà bắt buộc phải quay đầu và dừng lại. Điều này khiến cho việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do hàng hóa không thể di chuyển để đưa về Việt Nam.

Trong bài phân tích ngày 10/01/2022, Tạp chí The Diplomat cho rằng, Việt Nam là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất khi Trung Quốc đóng cửa biên giới chống dịch. Thật vậy, hàng ngàn xe container nông sản bị ùn ứ kéo dài tại cửa khẩu do chính sách của Trung Quốc. Thêm vào đó, các chuyến hàng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam không thể vận chuyển được trong một thời gian dài. Hàng đã đặt xong, chỉ chờ vận chuyển về Việt Nam, nhưng bởi chính sách Zero Covid của Trung Quốc mà hàng hóa không thể vận chuyển về Việt Nam.